3 Bài học kinh nghiệm kinh doanh không thể bỏ qua
Tỷ phú Richard Branson – nhà sáng lập Virgin Group từng nói: “Trong kinh doanh, bạn sẽ không bao giờ đạt được tất cả mọi thứ ngay lần đầu tiên”. Đúng như vậy, dù bạn kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì, bạn đều cần học hỏi và đúc kết cho mình những kinh nghiệm kinh doanh giúp bạn có những bước đi vững chắc nhất trên con đường thành công. Trong bài viết dưới đây, Unica sẽ chia sẻ cho bạn 3 bài học kinh doanh kinh điển đúc kết những triết lý thành công, giúp bạn có những hành trang tốt nhất trên con đường kinh doanh của mình.
Bài học kinh doanh số 1: Thuyết bán kem
Kem là một món đồ ăn quen thuộc đối với mọi người, nhưng sau món kem quen thuộc này ẩn chứa một bài học kinh doanh vô cùng ý nghĩa. Hãy thử nghĩ, bạn muốn mở một cửa hàng kem, vậy bạn sẽ quyết định mở nó vào mùa hè hay mùa đông? Đối với nhiều người, câu trả lời khá đơn giản: Bán kem tất nhiên là phải bán vào mùa hè rồi, bởi khi mùa hè thời tiết nóng bức, nhất định bán sẽ bán được nhiều kem hơn và thu về doanh thu lớn hơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh doanh nổi tiếng lại cho rằng nếu bạn bán kem, nhất định phải bán vào mùa đông. Tại sao lại có nghịch lý như vậy? Theo các chuyên gia kinh doanh, quyết định mua sản phẩm của khách hàng tùy thuộc vào các yếu tố như chất lượng, giá cả của sản phẩm và cả “cảm tình” với thương hiệu. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần mang đến những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Đối với việc bán kem cũng vậy, nếu bạn bán kem vào mùa đông, số lượng khách hàng bạn phục vụ sẽ không nhiều, đòi hỏi bạn cần phải cải thiện chất lượng dịch vụ tốt nhất để đạt được doanh số. Và nếu bạn đạt doanh thu tốt vào mùa đông, thì chắc chắn rằng bạn sẽ không cần lo ngại khi phải cạnh tranh vào mùa hè.
Bài học kinh doanh rút ra:
Hãy luôn nhớ rằng, khi bạn biết cách trải qua khó khăn bạn mới biết cách tồn tại và phát triển ở hiện tại và tương lai như thế nào. Vì vậy, đừng ngại khó khăn và hãy luôn sẵn sàng đương đầu với nó.
Bài học kinh doanh số 2: Bán lược cho sư
Bán lược cho sư? Đây là một điều phi lý và bạn nghĩ sẽ chẳng bao giờ thực hiện được vì nhà sư thì làm gì có tóc. Nếu không có tóc sẽ không có nhu cầu sử dụng lược, và nếu không có nhu cầu thì sao bạn có thể bán lược được cho nhà sư? Nếu bạn đã từng nghe đến câu chuyện kinh doanh này, bạn sẽ có một cách nhìn khác về việc bán hàng hiện tại của doanh nghiệp mình. Câu chuyện như sau: Một công ty muốn tuyển người bán hàng giỏi đã trao cho mỗi người 100 cây lược và yêu cầu họ vào chùa để bán lược cho các nhà sư. Có rất nhiều người không bán được một chiếc lược nào và bỏ cuộc, tuy nhiên có 3 người bán được lược cho nhà sư
- Người thứ nhất mang lược đến chùa, đã bị các nhà sư mắng và đuổi đi. Tuy nhiên, anh này vẫn cầu xin các nhà sư mua lược và có một nhà sư thương tình mua cho anh một chiếc lược.
- Người thứ hai đi xung quanh chùa, thấy tóc mình bị gió thổi bay liền đến gặp sư trụ trì và nói rằng: “Trên núi cao, gió thổi mạnh, các thiện nam tín nữ đến dâng hương mà tóc tai rối bù sẽ không thành kính trước cửa phật. Vì vậy, nhà chùa nên chuẩn bị một số lược để các phật tử chải tóc cho gọn gàng trước khi vào dâng hương”. Và anh đã bán được 10 chiếc lược cho nhà chùa có 10 lư hương.
- Người thứ ba anh đến một ngôi chùa lớn nhất vùng, rất nhiều người đến đây thắp hương. Anh đến gặp sư trụ trì và nói rằng: “Bạch thầy, chùa ta lớn nhất vùng, ngày nào cũng có hàng trăm phật tử đến thắp hương. Chùa ta lớn như vậy, thiết nghĩ nên có chút tặng phẩm khuyến khích người làm việc thiện. Con có mang ít lược của công ty. Thầy có thư pháp hơn người, xin hãy viết lên ba chữ: “lược tích thiện” làm tặng phẩm. Món quà thật nhiều ý nghĩa” Nhà chùa nghe xong rất hứng thú và mua cả 100 chiếc lược để làm quà.
Thông qua câu chuyện trên, có thể thấy: Người thứ nhất thuộc mẫu bán hàng cổ điển, cần cù và chịu khó. Người thứ 2 là người bán hàng có năng lực quan sát, suy đoán sự việc, dám nghĩ dám làm. Cuối cùng, người thứ ba là người biết phân tích nhu cầu và tâm lý đám đông, có ý tưởng tốt có giải pháp cụ thể nên đã mở một thị trường mới cho sản phẩm. Như vậy, tại một nơi không có yêu cầu, nếu biết quan sát, quan sát các mối quan hệ và biết sử dụng các cách kích cầu để bán hàng bạn sẽ tạo ra được một thị trường mới cho sản phẩm của bạn và mang về nguồn doanh thu lớn.
Bài học kinh doanh rút ra:
- Bài học rút ra đối với người bán lược thứ nhất đó là trong kinh doanh, đừng bao giờ bỏ cuộc nếu bạn gặp khó khăn, sự kiên trì và theo đuổi tới cùng sẽ mang đến thành công.
- Qua người bán lược thứ hai có thể thấy rằng đối với mỗi vấn đề, mỗi việc xảy ra trong quá trình kinh doanh, bạn không nên nhìn thiển cận vấn đề ở một phía mà phải mở tầm nhìn sâu rộng, biết quan sát để tìm lối ra cho vấn đề gặp phải. Biết cách tìm những yếu tố tác động trực tiếp đến khách hàng để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề khó khăn. Sự thành công trong việc bán thành công sản phẩm của bạn không phải sản phẩm của bạn là gì mà đó là cách thức bán hàng của bạn như thế nào.
- Với người thứ ba là người đã làm tốt nhất, bán được nhiều lược cho nhà sư nhất. Qua đó bạn có thể thấy phân tích nhu cầu khách hàng và tâm lý đám đông ảnh hưởng tới khách hàng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong kinh doanh. Hãy biết tận dụng, khai thác tâm lý đám đông để hình thành nhu cầu cho khách hàng. Và quan trọng, bạn cần biết sáng tạo ý tưởng, xây dựng nhu cầu, khai thác và triển khai kế hoạch một cách tốt nhất.
Bài học kinh doanh số 3: Một vụ cướp ngân hàng
Trong một vụ cướp nhà băng, một tên cướp hét lên: “Tất cả đứng im, nên nhớ tiền thuộc về Nhà nước, còn mạng sống thuộc về các người". Nghe xong câu nói này, tất cả mọi người có mặt trong ngân hàng đều nằm xuống và im lặng. Đây được gọi là “cách thức khai tâm, thay đổi những suy nghĩ theo lối mòn” . Thông thường, khi gặp cướp bạn thường hành động như thế nào? Chắc chắn rằng đa phần bạn đều kêu lên hoặc bỏ chạy. Tuy nhiên trong câu chuyện này, tên cướp đã biết đánh đúng vào tâm lý của những người có mặt tại nhà băng, đưa ra những lý lẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ, chính vì vậy, tất cả đều nghe theo tên cướp và yên lặng.
Tiếp đó, có một cô nhân viên nằm trên bàn trong tư thế khêu gợi, tên cướp hét lên: “Làm ơn cư xử văn minh, chúng tôi là cướp, chứ không phải những kẻ hiếp dâm”. Điều này gọi là “hành xử chuyên nghiệp, chỉ tập trung vào công việc mà bạn được huấn luyện”. Hãy thử đặt giả thuyết rằng, nếu lúc đó tên cướp để ý đến cô nhân viên và bỏ quên việc mình đang đi cướp tiền, liệu vụ cướp có thành công? Và nếu có thành công, tên cướp có cướp được số tiền nhiều nhất có thể? Tương tự như trong kinh doanh, bạn nên tập trung vào đúng lĩnh vực kinh doanh và công việc của mình để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Nếu bạn bị ảnh hưởng và chuyên tâm sang những lĩnh vực không liên quan khác trong quá trình làm việc, bạn sẽ không thể hoàn thành công việc hoặc công việc của bạn sẽ không đạt hiệu quả tốt nhất.
Khi tên cướp đã cướp xong và trở ra ngoài, gặp lại đại ca của mình là một tên cướp đã đi cướp lâu năm và nói với tên đó rằng: “Đại ca, có phải xem chúng ta đã cướp được bao nhiêu?”. Nghe thế tên cướp đại ca gằn giọng lại rằng: “Mày ngu lắm, bao nhiêu tiền đếm thế nào được. Đợi đi, tối nay tivi sẽ nói chúng ta cướp được bao nhiêu”. Điều này được gọi là “kinh nghiệm”. Có thể thấy rằng, để thực hiện một công việc đếm được số tiền đã cướp được là bao nhiêu, những người có kinh nghiệm sẽ biết cách làm đạt hiệu quả nhanh chóng và tiết kiệm thời gian nhất. Trong kinh doanh cũng vậy, bạn cần tích lũy và học hỏi thật nhiều để có thể tích lũy những kinh nghiệm kinh doanh hiệu quả để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí của mình.
Sau khi bọn cướp rời khỏi, giám đốc chi nhánh đã gọi điện để báo cảnh sát. Tuy nhiên, kế toán trưởng đã ngăn cản và nói rằng: “Đợi đã, hãy để cả số tiền 80 triệu chúng ta biển thủ vào số tiền bị băng cướp lấy mất”. Điều này gọi là “Bơi theo dòng nước, chuyển đổi những tình huống bất lợi thành có lợi”. Trong hoạt động kinh doanh cũng như vậy, bạn sẽ gặp rất nhiều những yếu tố tác động từ bên ngoài gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bạn. Tuy nhiên, đừng vội nản lòng, hãy nghiên cứu thật kỹ và phân tích các yếu tố đó, biết đâu bạn sẽ tìm được cơ hội mới cho doanh nghiệp của bạn.
Tối hôm đó, tivi nói rằng nhà băng bị cướp 100 triệu. Tuy nhiên, bọn cướp đã đếm đi đếm lại số tiền đã cướp được và chỉ có 20 triệu. Tên đại ca bực tức nói rằng: “Chúng ta mạo hiểm mạng sống của mình mà chỉ cướp được có 20 triệu, còn bọn chúng chỉ ngồi chơi mà cướp được 80 triệu. Đúng là học hành, có bằng cấp thì chúng được ngồi cái ghế đấy, cướp tiền siêu đẳng”. Điều này cho thấy rằng “ Kiến thức thì giá trị như vàng”. Trong kinh doanh cũng vậy, nếu hai người cùng kinh doanh một mặt hàng như nhau, những người có kiến thức chuyên môn về kinh doanh chắc chắn sẽ có những phương pháp kinh doanh và triển khai các hoạt động kinh doanh sản phẩm hiệu quả hơn, thu được doanh số cao hơn.
Thông qua những bài học kinh doanh trên, có thể thấy thành công không tự nhiên mà đến, thành công bắt đầu từ những thất bại. Điều quan trọng đó là sau thất bại bạn biết đứng lên sau những lần vấp ngã và tự biết đúc kết những kinh nghiệm kinh doanh hiệu quả cho bản thân mình. Thành công do các yếu tố khách quan, thuận lợi chỉ góp một phần nhỏ, yếu tố quyết định chủ yếu là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người kinh doanh, sau thất bại, hãy luôn không ngừng cố gắng tìm ra những phương pháp, kế hoạch kinh doanh bài bản khác để đạt được kết quả kinh doanh tốt và đột phá doanh thu.
Chúc bạn thành công!